[ad_1]
AustraliaDương Phạm – Đại học Wollongong cho biết việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng số cũng là cách cô chứng minh sự đúng đắn khi rời xa bàn tay bao bọc của cha mẹ.
Dương Phạm (sinh năm 1996) là nhà sáng tạo nội dung với kênh TikTok đã có 58 triệu lượt yêu thích và 1,1 triệu người theo dõi. Trên nền tảng Youtube, cô cũng có hơn 640.000 lượt đăng ký.
Là khách mời tại tập hai của chuỗi “Shine with Australia”, Dương cho biết, cô sinh ra và lớn lên ở TP HCM, do đó, cuộc sống đại học không có sự khác biệt quá rõ rệt so với 12 năm phổ thông, khá ngây ngô và vẫn sống trong vòng tay cha mẹ. Cô cảm thấy mình có khát khao phát triển hơn nhưng hoang mang không biết nên làm gì.
Lúc đó, Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM – ngôi trường cô đang học có chương trình chuyển tiếp tới Australia. Nhờ vậy, cô tiếp tục chương trình học tại Đại học Wollongong. Với sự bao bọc quá nhiều từ cha mẹ, khi ra nước ngoài, tất cả mọi thứ với Dương Phạm đều mới lạ khó khăn, đến từ bên ngoài lẫn bên trong bản thân như rào cản ngôn ngữ, công việc làm thêm…
“Tôi cũng đi làm thêm và cảm thấy mọi thứ sao khó khăn quá. Những lúc bệnh tật cũng làm tôi cảm thấy tôi khổ hơn ở Việt Nam nhiều”, TikToker 9x chia sẻ.
Lúc này, Dương tự hỏi lý do bản thân lại rơi vào tình trạng này, tại sao không kiếm một công việc làm online để ngay những lúc bị kẹt ở nhà vẫn có nguồn thu nhập.
Sau khi tìm hiểu trên mạng, Dương nhận thấy nhiều người xây dựng thương hiệu cá nhân và có thể mở ra rất nhiều hướng đi như kinh doanh, làm việc với nhãn hàng hay bất kỳ đâu mình muốn. Từ đó, cô gái trẻ mới hiểu về tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu cá nhân và bắt đầu làm social media để trở thành một người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng, lan tỏa những nguồn năng lượng tích cực cho mọi người.
Sống tại Australia, Dương Phạm nhận thấy ít ai chia sẻ cho các bạn trẻ về quá trình học tập, cuộc sống nơi đây dưới góc nhìn của một du học sinh Việt Nam. Do đó, cô bắt đầu chia sẻ những điều mình biết, thấy hay ở Australia cho mọi người xem. Đây cũng là cách cô cho ba mẹ thấy cuộc sống tự lập của mình ở nước ngoài.
Nhờ quá trình này, nữ TikToker nhận ra rằng mọi thứ đều có cách giải quyết. Trong thời gian gặp tai nạn lớn nhất như lúc bị gãy chân, cô không nói với gia đình biết. Thời gian đó rất căng thẳng nhưng Dương vẫn tận hưởng trọn vẹn, nếm trải khó khăn đó đến lúc vượt ngưỡng chịu đựng và tìm cách thay đổi bản thân.
“Những khó khăn đó không làm mình chùn bước. Đó là bước đệm để bật lên. Giống như một biểu đồ, ta phải có một khoảng chùng xuống để lấy đà bật lên. Tôi trân trọng những khoảng thời gian khó khăn gặp phải khi đi du học và ngay cả thời điểm hiện tại”, cô nhấn mạnh.
Theo Dương Phạm, sự không rập khuôn trong quá trình đào tạo sinh viên của Australia là một trong những yếu tố quan trọng giúp cô hình thành nên tư duy mở, suy nghĩ đa chiều và sáng tạo hơn. Trong quá trình học tập, sinh viên có thể tự do nêu lên chính kiến của bản thân, tranh luận trực tiếp với giảng viên.
“Như vậy, khi làm nội dung, tôi có suy nghĩ mở hơn, không bị đóng khung trong quan điểm ‘Australia phải như thế này’. Tôi thấy gì thì chia sẻ lại cái đó”, cô khẳng định.
Bên cạnh đó, nhờ sự tự do trong phương pháp giáo dục của Australia, tư duy phản biện của Dương Phạm cũng phát triển rất nhiều. Cô quan niệm, không có gì đúng hay sai tuyệt đối, quan trọng là phải biết chứng minh quan điểm của mình là đúng và có năng lực bảo vệ quan điểm cá nhân. Khi chia sẻ lên mạng xã hội, cô đều đưa ra lý do tại sao bản thân nghĩ như vậy để tăng tính thuyết phục đối với người xem.
“Tương tự khi làm nội dung số, tôi tự ý thức phải trải nghiệm, quan sát nhiều hơn để phát triển kênh mạnh mẽ hơn”, cô nói.
Cựu sinh viên Đại học Wollongong chia sẻ, điều cô tâm đắc khi đi du học là xung quanh đều là những người rất cố gắng, nỗ lực trong cuộc sống khi đối mặt với nhiều áp lực khác nhau. Theo cô, bản thân mỗi người là kết quả trung bình của 5 người xung quanh. Do đó, trong môi trường học tập tại Australia, cô tiếp thu tư duy mở từ các bạn, ý thức cao hơn về sự cố gắng cho cuộc sống của chính mình.
Với phương châm “giáo dục là điều dẫn chúng ta đến tương lai tốt đẹp hơn”, Dương Phạm không chỉ dừng ở Australia mà còn dự định tới quốc gia khác, chia sẻ thêm trải nghiệm thực tế cho các bạn trẻ.
Theo đó, nữ diễn giả khuyên các bạn trẻ nên dành một khoảng thời gian để tìm hiểu, quan sát, sau đó, hãy bước tới hành động thực tiễn. Cũng giống như Dương Phạm, cô tìm thấy chính mình trong quá trình không ngừng trải nghiệm tại Australia.
Theo cô, nếu cứ để dự định trong suy nghĩ, mọi người không biết nó đúng hay sai. Nhưng khi hành động, nếu sai, các bạn sẽ có cơ hội sửa đổi sớm nhất có thể. Ban đầu, nữ TikToker cũng không chắc con đường mình đi đã đúng hay chưa. Tuy nhiên, càng làm, cô càng biết cách sửa đổi để đưa bản thân về đúng quỹ đạo mong muốn.
“Đừng cố gắng phân tích đúng – sai quá lâu. Hãy thử đi vì khi đi du học, bạn đã dũng cảm hơn rất nhiều. Dĩ nhiên sẽ có khó khăn nhưng những điều đó sẽ để lại bài học để mình trở thành phiên bản tốt hơn”, cô nhắn nhủ các bạn trẻ.
Nhật Lệ
Sự kiện quy tụ hơn 20 diễn giả là các chuyên gia giáo dục hàng đầu, đại diện bang và vùng lãnh thổ của Australia cũng như nhiều du học sinh Việt du học thành công.
Chuỗi tọa đàm cũng giới thiệu Global Pathways, mô hình du học chuyển tiếp và nhận bằng từ các đại học Top 1% thế giới của Australia như Đại học Macquarie, Monash, Western Sydney, Wollongong, Griffith, South Australia,… cùng nhiều học bổng giá trị.
Độc giả đăng ký tham gia tại đây.