[ad_1]
Kỹ năng và thái độ làm việc sẽ được nhà tuyển dụng ưu tiên đánh giá hơn là ngành học, theo chuyên gia tại tọa đàm UniPrep.
Bà Thanh Nguyễn – Giám đốc điều hành và Truyền cảm hứng Hạnh phúc, Công ty Anphabe chia sẻ thông tin tại tọa đàm UniPrep – Sắp vào đại học, tập 8 trên VnExpress.
Bà Thanh Nguyễn cho rằng, các bạn trẻ hiện nay có nhiều may mắn hơn so với thế hệ trước bởi các trường đã có sự phát triển về nội dung đào tạo để đi sát nhu cầu doanh nghiệp. Do đó, thay vì đi một chuyên ngành rộng, các trường và khóa học ngày càng chuyên môn hóa hơn và cho phép sinh viên tiếp cận chuyên sâu hơn.
“Tôi nghĩ với những vị trí mang tính chuyên môn như logistics, bảo hiểm hay chứng khoán… nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên sinh viên từ khoa ngành sát nhất với yêu cầu công việc. Nếu sinh viên học chuyên ngành đó với thành tích học tập, trải nghiệm tốt thì đó là một lợi thế trong CV”.
Tuy nhiên, không phải chỉ các sinh viên theo đúng chuyên ngành mới có cơ hội. Thị trường lao động, đặc biệt là trong các ngành hot luôn thiếu nguồn nhân lực tốt và cần mở rộng ra các ứng viên học chuyên ngành rộng. Bản thân các ứng viên này cũng có lợi thế riêng, bởi thay vì chỉ học một môn và chỉ có thể làm việc trong lĩnh vực, khi học tổng quát, sinh viên có thể nộp đơn vào nhiều doanh nghiệp khác nhau.
Bên cạnh yêu cầu chuyên môn, các nhà tuyển dụng còn tìm kiếm ở ứng viên các kỹ năng và thái độ.
Theo bà Thanh, kỹ năng đầu tiên ở ứng viên là khả năng phân tích số liệu. Thứ hai là hiểu biết và có năng lực sử dụng nền tảng kỹ thuật số. Cuối cùng sự đa nhiệm, năng lực giải quyết vấn đề. Do đó, dù chọn chuyên ngành thế nào thì bốn năm học đại học là thời gian quan trọng để sinh viên học cách tư duy tiếp cận, giải quyết vấn đề và một số kỹ năng quan trọng mà có thể áp dụng trong mọi công việc.
“Nhìn chung sinh viên học ngành nào cũng tốt nếu sinh viên hướng tới điều cuối cùng là nhà tuyển dụng cần gì. Trong quá trình học, các em hoàn toàn có thể lái định hướng của mình tốt hơn”, bà Thanh Nguyễn nhấn mạnh.
Đồng ý với quan điểm của bà Thanh Nguyễn, ông Lê Đình Hiếu, CEO Học viện G.A.P khẳng định giá trị cốt lõi nằm nhiều ở kỹ năng (bộ năng lực cốt lõi) như giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm… Công việc nào cũng cần điều này.
Quay trở lại câu hỏi có sự khác biệt lớn nào giữa hai nhóm sinh viên học chuyên ngành rộng – hẹp, ông Hiếu cho biết khác biệt lớn nhất giữa hai nhóm nằm ở phần kiến thức nhận được. Còn về mặt kỹ năng, sinh viên có cơ hội như nhau. Việc phát triển kỹ năng không chỉ nằm ở việc lên lớp nghe thầy giảng kiến thức, mà còn nằm ở việc các em học hỏi như thế nào, tham gia hoạt động, câu lạc bộ ra sao.
“Do đó, gần như hai sinh viên học hai chuyên ngành khác nhau nhưng cùng ở một trường đại học tốt, tôi đánh giá về mặt kỹ năng chung các em đều tích lũy đầy đủ”, ông Hiếu nhận định.
Lấy ví dụ thực tiễn, ông Hiếu cho biết từng đào tạo nhiều bạn trẻ học chuyên ngành quản trị kinh doanh – ngành tổng quát. Sau khi đã học đến năm ba, tư, đi thực tập lần đầu tiên, bạn ấy mới nhận ra bản thân đam mê digital marketing.
Lúc đó ông Hiếu tư vấn cho sinh viên rằng trên mạng có nhiều kiến thức, chương trình học online cho phép các bạn trẻ học thêm dễ dàng. “Như vậy, nếu đang học chương trình tổng quát nhưng giữa chừng phát hiện ra đam mê về một ngành chuyên sâu, các bạn hoàn toàn có thể tiếp tục ngành học, đồng thời, học thêm bằng, chứng chỉ nhỏ khác để bổ sung kiến thức”, ông nói.
Ví dụ, nếu muốn đi sâu vào tài chính, sinh viên có thể học bằng CFA và có thế phân tích như người học chuyên ngành. Ngược lại, nhờ có phương án học tập linh hoạt như hiện nay hoặc đăng ký làm thực tập viên tại một công ty, lĩnh vực trái ngành cũng là cơ hội để ứng viên tương lai khám phá, trải nghiệm.
Cũng tại chương trình, PGS. TS. Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng ISB, Đại học Kinh tế TP HCM – người điều phối chương trình đã đưa ra trường hợp cụ thể, đó là hai chuyên ngành không còn hot như trước nhưng luôn thu hút số lượng sinh viên lớn là Quản trị kinh doanh và Kinh doanh quốc tế. Học Quản trị kinh doanh là học cách vận hành một doanh nghiệp, biết việc của mọi vị trí. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể bắt đầu từ bất kỳ vị trí nào. Nhưng trong thời điểm tuyển dụng, người học ngành này có thể gặp bất lợi hơn so với ứng viên học ngành chuyên sâu. Thứ hai, ngành Kinh doanh quốc tế cũng tương tự Quản trị kinh doanh nếu xét trong môi trường đa văn hóa. Cả hai ngành khá giống nhau về cách tiếp cận chỉ khác nhau môn học và điều kiện.
Với kinh nghiệm HR lâu năm, bà Thanh Nguyễn đã đưa ra những đánh giá về cách tiếp cận của hai chuyên ngành này. Theo bà, đúng là quản trị kinh doanh rất rộng, quản trị nhân sự, sản xuất, marketing… đều là quản trị kinh doanh. Tuy nhiên từng yếu tố trong đó lại rất khác nhau.
“Phân tích sâu vào tính chất công việc, giữa một người làm marketing và sản xuất đòi hỏi về năng lực, tư duy rất khác nhau và sẽ phù hợp với tính cách khác nhau. Do đó, từ năm hai, sinh viên học quản trị kinh doanh vẫn cần thu hẹp lại xem bản thân thiên về mảng nào hơn”, bà Thanh Nguyễn cho hay.
Thứ hai, bà Thanh Nguyễn từng gặp nhiều trường hợp, ứng viên khi được hỏi thế mạnh là gì thì thường trả lời giỏi quản lý và mang tư duy ra trường để làm sếp, sau vài năm lên làm CEO. Đây là một quan điểm sai lầm, do nhiều yếu tố từ xã hội, gia đình… khiến các bạn hiểu lầm.
“Thực tế, dù làm khía cạnh nào trong quản trị kinh doanh, chúng ta cần phải bắt đầu từ bước thấp nhất là một người học nghề, làm nghề. Bạn chỉ có thể làm quản lý khi tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức và có năng lực tạo ra giá trị và quản lý nhân viên tạo ra giá trị”, bà Thanh Nguyễn nhấn mạnh.
Do đó, trong phần hướng nghiệp cần có tư duy của một người đi làm để học sinh có cái kỳ vọng đúng hơn về công việc của mình, từ đó, có khả năng học hỏi, thăng tiến và đóng đóng góp tốt hơn.
Ông Hiếu bổ sung thêm, dù học trường nào, để ngành học trở nên hiệu quả, đặc biệt là ngành tổng quát, sinh viên phải có trải nghiệm thực tế. Các em đã học rộng rồi mà không có điều này, sẽ không biết bản thân cần bổ sung điều gì.
Ông đưa ra lời khuyên, sinh viên có thể dành ba tháng để thực tập, ba tháng làm không lương, kiến tập… để phát hiện trong một loạt điều mình đã học một cách tổng quát, đâu là thứ mình đam mê hơn. “Đừng nghĩ đến tiền mà hãy nghĩ tới điều gì bạn thấy bản thân làm giỏi và có thể sống cùng lâu dài. Từ đó, hãy tập trung hơn và học chuyên sâu hơn”, ông nói.
Nguyễn Phượng
“UniPrep – Sắp vào đại học” là chuỗi sự kiện đồng tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM và báo điện tử VnExpress nhằm cung cấp thông tin để học sinh có thêm kiến thức cụ thể về ngành học tương lai, giúp phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành chọn trường cùng con.
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề “nóng” về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.