Phân tích và so sánh người vợ nhặt trước và sau khi về làm vợ Tràng
Bài làm
Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện thực Việt Nam, ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Văn của Kim Lân đi sâu vào lòng người đọc bởi tình cảm bình dị, rất đời thường nhưng chan chứa nghĩa tình. Vợ nhặt là truyện ngắn điển hình cho phong cách sáng tác của Kim Lân, cũng là một nhân vật gây ấn tượng sâu sắc,
Ngay từ nhan đề của câu chuyện, từ sự “nhặt” đầy rẻ rúng đã gợi nên sự bèo bọt, thấp kém của thân phận con người, đặc biệt là số phận của những người “vợ” được nhặt về, những người phụ nữ trong văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Trong câu chuyện này, người phụ nữ ấy chính là người vợ nhặt – người phụ nữ không tên không tuổi, vô danh vô nghĩa. Thị bị cái đói dồn đuổi, đẩy ra ngoài đường, “ngồi vêu ra” ở cửa kho thóc để nhặt những hạt rơi hạt vãi, hòa vào dòng người đói kém “không áo cơm cù bấc cù bơ”. Cái đói tàn phá, dày vò hình hài thị một cách thảm hại, làm thị trở nên tiều tụy, áo quần tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp hẳn đi với khuôn mặt lưỡi cày xám xịt, khiến chỉ sau một tuần mà Tràng đã không nhận ra. Hơn thế, Thị mới chỉ gặp Tràng mà đã bám lấy chằng chặc, lầy là gạ ăn. Nghe anh chàng phu xe hò một câu cho đỡ nhọc (Muốn ăn cơm trắng mấy giò này / Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì), thị đã cong cớn bám lấy rồi vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng.
Người ta thậm chí có thể hiểu lầm thị là người đàn bà trơ trẽn, chỏng lỏn khi lớn tiếng mắng Tràng vì nuốt lời, khi vô tư ăn liền một chặp hết bốn bát bánh đúc, khi Tràng chỉ đùa mấy câu mà đã sẵn sàng theo về làm vợ một cách dễ dãi. Nhưng không. Sẵn sàng theo không Tràng về làm vợ chẳng qua là vì niềm ham sống cùng khát khao hạnh phúc quá lớn. Khi đã đứng trước cái chết, rõ ràng là người phụ nữ cần xoay sở mọi cách để được sống trước đã. Trên con đuờng trở về nhà của Tràng, thị thay đổi hẳn. Dưới ngòi bút miêu tả của nhà văn đầy ám ảnh “ thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn” . Tưởng chừng Thị là một người phụ nữ táo bạo vô duyên nhưng thực chất cũng vô cùng e lệ và suy nghĩ như một người phụ nữ. Về nhà của Tràng, thị càng khác hơn. Khi thấy gia cảnh tuềnh toàng, thị nén một tiếng thở dài nhưng vẫn ở lại. Lúc đầu thị theo Tràng vì miếng ăn, nhưng giờ lại sẵn sàng đồng cam cộng khổ, rõ ràng là vì tình yêu thương, khát vọng sống nâng cao thành khát vọng hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình. Khi người mẹ xuất hiện, thị chủ động đứng dậy chào bà cụ Tứ bằng “u”, vượt qua tất cả những ngại ngùng ban đầu, những tủi thân, tủi phận.
Đặc biệt, chỉ qua một đêm về làm dâu, ở người con gái này đã có sự thay đổi rất nhanh. Thị dậy sớm cùng mẹ chồng thu vén nhà cửa, đem lại sinh khí cho gia đình, gây dựng nên sự sống. Nếu như trong buổi chiều gặp Tràng ở phố huyện, khi được Tràng đồng ý đãi bánh đúc ở ngoài chợ: “Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì” thì buổi sáng hôm sau, trong mâm cơm ngày đói, ta không còn thấy một người đàn bà vô duyên, vô ý nữa mà mọi hành động và thái độ đều rất từ tốn, đúng mực, khi nhận bát “chè khoán” từ mẹ chồng: “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng”. Hoá ra cái đanh đá, trở trẽn trước kia ở người đàn bà Tràng lấy làm vợ chẳng qua là do đói khát mà ra. Khi được sống trong tình thương, trong mái ấm gia đình, người đàn bà ấy đã sống với bản chất tốt đẹp của mình, của một người phụ nữ Việt Nam. Thị còn là người đã dấy lên niềm tin mới về cách mạng, tạo niềm tin hi vọng cho chồng khi kể chuyện ở Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không còn đóng thuế nữa và Việt Minh đi phá kho thóc Nhật chia cho người đói. Rõ ràng, càng khốn khổ vì đói kém bao nhiêu, ý thức xã hội của con người càng mạnh mẽ bấy nhiêu.
Với niềm tin tưởng vào phẩm chất của người nông dân và cái nhìn theo hướng vận động tích cực, Kim Lân đã xây dựng hình ảnh người vợ nhặt tiêu biểu cho số phận những người phụ nữ trong nạn đói 1945. Nhà văn không tập trung miêu tả tâm lý nhân vật để giữ vẻ xa lạ, phù hợp với hoàn cảnh của thị, một người vợ nhặt, nhưng đằng sau giọng văn có vẻ khách quan ấy lại chính là một tinh thần nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của nhà văn, một trái tim ấm nóng sẵn sàng bao bọc và vỗ về những thân kiếp bé nhỏ bị số phận dồn đuổi. Nhân đạo nhất ở một nhà văn, không phải là thương hại loài người, ban phát tình thương, mà là dẫn đường chỉ lối, chỉ cho họ ánh sáng cuối đường hầm!