Tô Hoài cho rằng: “Ngay trong văn xuôi cần phải đượm hồn thơ, có như thế, văn xuôi mới trong sáng cất cao”. Điều đó thể hiện như thế nào qua “Vợ chồng A Phủ”

0
(0)

Tô Hoài cho rằng: “Ngay trong văn xuôi cần phải đượm hồn thơ, có như thế, văn xuôi mới trong sáng cất cao”. Điều đó thể hiện như thế nào qua “Vợ chồng A Phủ”

Bài làm

Một người nghệ sĩ tài ba,một người nghệ sĩ mẫn cảm là người phải tìm thấy chất thơ của cuộc sống, hương vị của cuộc đời ở những chỗ tưởng chừng như không có một chút thơ nào. Tô Hoài là một nhà văn như thế bởi “Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm thấm đẫm và lai láng chất thơ. Có được điều đó là bởi Tô Hoài luôn tâm niệm “ngay trong văn xuôi cần phải đượm hồn thơ, có như thế, văn xuôi mới trong sáng cất cao”.

Văn xuôi là một thể loại văn học, phản ánh đời sống khách quan thông qua cốt truyện, nhân vật, chi tiết, tình huống… Hồn thơ là cảm xúc, cái đẹp bay bổng vút lên từ cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống và đặc biệt là con người. Như vậy nhận định vừa là một yêu cầu, vừa là một quan niệm riêng của nhà văn đề cập tới một vấn đề cơ bản của văn học: chất trữ tình trong văn xuôi nói chung đặc biệt là văn xuôi tự sự.

Hồn thơ trong “Vợ chồng A Phủ” trước hết thể hiện trong cảm xúc của Tô Hoài trước thiên nhiên và phong tục vùng cao. Nhà văn chọn thời điểm mùa xuân- mùa của sinh sôi nảy nở, của chồi non lộc biếc, là tuổi thanh xuân của đất trời, mùa của những lễ hội rộn ràng muôn nơi để làng mơ thộp và trai gái mở hội lòng. Tô Hoài đã mượn thời khắc thanh xuân của đất trời để khơi dậy thanh xuân của lòng người. Không gian tràn ngập sắc màu với màu vàng ửng, màu đỏ của hoa bí, màu sặc sỡ của những chiếc váy như những con bướm khổng lồ, màu hồng của lửa. Tất cả đều là những gam màu tươi và ấm. Âm thanh quen thuộc, gần gũi, rộn ràng của bản làng và cuộc sống: tiếng chó sủa xa xa, tiếng trẻ con cười ầm trước sân nhà, tiếng sáo khi lấp ló ngoài đầu núi, khi văng vẳng đầu làng, lúc thiết tha bổi hổi trong kí ức… Như vậy cảnh Hồng Ngài đón tết mùa xuân đã tập trung bút lực của Tô Hoài với sự hiểu biết về phong tục vùng núi Tây Bắc, khả năng miêu tả thiên nhiên, phong tục và ngôn ngữ phong phú, đậm đà màu sắc dân tộc… Bức tranh thiên nhiên, phong tục độc đáo góp phần làm phong phú những trang văn viết về đề tài miền núi. Đến với Tô Hoài ta mới thấy bên những bóng tối của nỗi đời cơ cực, đắng cay vẫn hé lộ những nguồn sáng trong trẻo, nguyên sơ, bất diệt của thiên nhiên và phong tục vùng cao. Bên những trang đời đắng cay vẫn còn nguyên chất thơ bay bổng, dạt dào của thiên nhiên và con người.

Chất thơ không chỉ bàng bạc nơi thiên nhiên mà còn toát lên trong cảm xúc của Tô Hoài trước vẻ đẹp của hai nhân vật Mị và A Phủ. Mị là một cô gái trẻ, thùy mị nhưng vì “cha mẹ ăn bạc của nhàm giàu từ kiếp trước” mà kiếp này người ta bắt bán con trừ nợ. Khi biết sắp bị bắt đi làm dâu nhà quan, Mị xin cha “con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con sẽ cuốc nương làm ngô trả nợ thay cho bố”. Chỉ một lời nói nhưng là cả tấm lòng hiếu thảo của người con gái lớn khôn có ý thức ghé vai gánh vác gánh nặng mưu sinh. Hơn ai hết, Mị hiểu rằng khi sa chân vào chốn nhà quan thì Mị sẽ đoạn tuyệt với tình yêu, tự do, tuổi trẻ nên Mị ý thức về giá trị sự sống mà xin cha “bố đừng bán con cho nhà giàu”. Mị- người con gái vùng cao thường rất kiệm lời nên nội tâm sục sôi,mãnh liệt của họ thường được trao gửi trong tiếng khèn, tiếng sáo. Tâm hồn sâu sắc, phong phú được gửi vào tiếng thổi lá, Mị có tài thổi lá hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Trước khi về cửa nhà thống lí, Mị đẹp như một bông hoa rừng. Đó là một người con gái chăm chỉ, giàu lòng hiếu thảo và có ý thức về giá trị của sự sống. Tuy nhiên Mị chưa kịp nếm những trái ngọt của cuộc đời đã phải cay đắng tìm đến nắm lá ngón để kết liễu cuộc đời. Nhưng vì tình thương cha, lòng hiếu thảo mà Mị không đành chết nên vứt nắm lá ngón, trở lại nhà thống lí và chôn vùi tuổi thanh xuân nơi địa ngục trần gian ấy. Giờ đây Mị sống là cái bóng vô cảm, vô hồn, lãng quên dĩ vãng, không gắn bó với hiện tại, chẳng đoái hoài đến tương lai. Phải chăng, cuộc sống thực tại đã làm tâm hồn Mị nguội lạnh, thờ ơ, phải chăng cô Mị xinh đẹp ngày xưa nay phải cam chịu cảnh sống mà như chết? Thế rồi âm thanh tiếng sáo đã khơi dậy sức sống ẩn náu trong Mị: “ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha, bồi hồi”. Mị còn nhớ như in những lời hát tình tứ mà Mị đã nghe, đã hát, đã thổi sáo, thổi kèn lá ngày nào. Tiếng sáo giờ đây đã thấm vào trái tim Mị, thức tỉnh sự câm lặng bấy lâu. Rồi Mị uống rượu, men rượu hay men cuộc đời đã nâng bổng tâm hồn Mị lên, vượt khỏi cái ô cửa “mờ mờ trăng trắng kia”. Khát vọng được đi chơi bỗng bùng cháy. Từ đầu là những âm thanh xa xôi, sau đó tiếng sáo trở thành lời mời gọi giúp Mị lãng quên quá khứ, sống vui vẻ với tương lai “tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, đám chơi”. Con người hiện tại dường như đã chết, con người quá khư đang dần dần từng bước được hồi sinh. Mị như cây hoa ban, hoa đào Tây Bắc trước lúc vào xuân, nhìn bề ngoài thì có vẻ khẳng khiu, khô gầy, mỏng manh nhưng bên trong sức sống vẫn âm ỉ, chờ thời để bừng sáng sắc xuân. Tết đến, Mị rất muốn đi chơi nhưng A Sử không cho Mị đi. Nhưng gia đình nhà thống lí không thể cưỡng éo được một con người sức sống đang còn cháy rực trong tâm hồn. “Cô không thể dằn lòng được”, “Mị vùng dậy khêu đèn sáng, cuốn lại tóc, mặc váy hoa vắt ở vách” toan bước đi, tìm đến nơi đang lửng lơ bay tiếng sáo gọi bạn tình thiết tha. Nhưng Mị toan bước đi thì sợi dây mây của A Sử, sợi dây nghiệt ngã của số phận đã trói đứng Mị vào cột nhà. Và bây giờ Mị mới bật khóc, khóc cho cái oan trái của một kiếp người khao khát muốn sống, muốn yêu mà lại bị ghì chặt vào một cuộc sống “không bằng con ngựa”. Trong bóng tối, cô đag mơ màng đi theo tiếng sáo. Nhưng rồi quá khứ chưa đi, hiện tại lại về. “Mị vùng bước đi, nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa”.

Đêm tình mùa xuân khép lại, hé lộ sự phục sinh mạnh mẽ hơn trong đêm đông cứu A Phủ của nhân vạt Mị. Đêm đông Hồng Ngài Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay bởi lẽ cảnh hành hạ, đọa đày trong nhà thống lí là chuyện cơm bữa. Mị dửng dưng trước nỗi đau đồng loại tưởng đáng trách mà lại đáng thương. Mị đây và A Phủ kia, kẻ thì bị trói người thì không nhưng cũng cùng thân giống phận. Khi chứng kiến dòng nước mắt lấp lánh bò trên hai hõm má đã xám đen lại chả A Phủ, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử cũng trói đứng Mị như vậy. Mị thương thân rồi cảm thấy căm giận và nhủ lòng thương người. Mị tưởng tượng A Phủ trốn được thì bố con Lá Tra đổ tội cho Mị, Mị phải chết thay trong cảnh ấy. Làm sao Mị cũng không thấy sợ vì đây mới là cảnh trong hình dung tưởng tượng, cái chết còn rất xa. Sau đó, Mị cắt dây mây cởi trói cho A Phủ. “Mị đứng lặng trong bóng tối”. Câu văn ngắn, nhịp chậm tạo không khí căng thẳng, hồi hộp và như một bản lề khép mở hai trang đời. Thế rồi bản chất ham sống và khát vọng sống mãnh liệt đã thôi thúc cô gái ấy, Mị nói với A Phủ “A Phủ cho tôi đi. Ở đây thì chết mất”. Mị chạy theo A Phỉ là chạy khỏi cái chết. Hành động Mị cởi trói cho A Phủ là hành động cởi trói cho chính mình bằng khát vọng sống mãnh liệt.

Bên cạnh nhân vật Mị, A Phủ cũng là một nốt nhấn làm nên chất theo bay bổng của tác phẩm. Tuy là chàng trai có thân phận khổ đau, nghèo khó nhưng ở con người ấy luôn ngời sáng vẻ đẹp. A Phủ lag chàng trai hồn nhiên, trong sáng khi nhà nghèo, mồ côi nhưng ngày Tết A Phủ vẫn đi chơi, chơi rất say và trở thành linh hồn cuộc chơi. Đó còn là một chàng trai trung thực khi dám đánh A Sử để bảo vệ lẽ phải, lúc quỳ chịu đánh thì im như tượng đá. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng sâu thăm, A Phủ luôn ấp ủ kháy vọng tự do. Lúc còn bé, bị người làng bán cho người Thái ở cánh đồng thấp nhưng A Phủ không chịu mà trốn lên núi cao. Lúc bị trói, A Phủ nhay đứt vòng dây mây để giải thoát. Khi mọi con đường khéo lại, A Phủ khóc, một dòng nước mắt “lấp lánh”. Hai chữ “lấp lánh” đầy sức gợi biến dòng nước mắt thành một cái gì đó rất đẹp, thành chất ngọc tâm hồn. Trong cảnh sức cùng lực kiệt, cái chết ngay trước mắt, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy. A Phủ băng mình tới ánh sáng, tự do, cuộc sống không phải bằng sức mạnh của đôi chân mà bằng sức manh tinh thần, bằng lòng ham sống như ai đó cho rằng: “chính lòng ham sống đã mở đường sống cho A Phủ”. Hồn thơ của thiên truyện còn thể hiện qua hình thức nghệ thuật với cốt truyện mang dáng dấp của cổ tích về người con gái xinh đẹp, mồ côi, hiếu thuận và tìm được hạnh phúc nhưng hạnh phúc của nhân vật Mị không đến từ phép nhiệm màu mà chính kẻ bản thân con người. Cốt truyện vì thế quen mà lạ, tựa như cổ tích thời hiện đại. Giọng điệu khi trầm bổng khi tha thiết tạo nên sự thấu cảm, phù hợp với nhịp sống, nhịp tâm hồn.

Pautopxki đã từng nói “nghệ sĩ là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp”. Đúng vậy, Tô Hoài đã dấn dắt chúng ta đến với một thế giới đượm hồn thơ, một tác phẩm mãi trong sáng và cất cao.

Bạn hãy đánh giá bài viết

Nháy chuột vào ngôi sao mà bạn muốn đánh giá

Điểm trung bình 0 / 5. Số đánh giá 0

Bạn là người đầu tiên, xin hãy đánh giá!

Để lại một bình luận