[ad_1]
Du học sinh có thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cũng như cộng đồng sinh viên Việt để hòa nhập và thích nghi nhanh chóng khi học tập tại New Zealand.
Từ tháng 2 năm nay, New Zealand đã đưa ra lộ trình mở cửa chào đón du học sinh. Theo Cơ quan Giáo dục New Zealand, những người có visa còn thời hạn, bao gồm học sinh, sinh viên có thể quay trở lại xứ sở kiwi từ ngày 13/4. Quốc gia này đặc cách nhập cảnh cho 5.000 sinh viên quốc tế trong tháng 4 này. Vậy sinh viên quốc tế cần chuẩn bị gì để thích nghi với cuộc sống du học hậu Covid-19?
Tại buổi tọa đàm thuộc chuỗi sự kiện Global UniTalk với chủ đề “Du học thời hậu Covid – Kỹ năng thích nghi” do Viện ISB, thuộc Đại học Kinh tế TP HCM tổ chức mới đây, hai đại diện đến từ Đại học Waikato, New Zealand – chị Nguyễn Lam Giang, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của trường và bạn Lê Khánh Phương, sinh viên ngành Luật có những chia sẻ về kinh nghiệm thích nghi khi du học tại xứ sở kiwi.
New Zealand là một trong những quốc gia có các biện pháp phòng dịch mạnh tay nhất. Tháng 3/2020, New Zealand tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, đóng cửa biên giới, sau đó là những đợt giãn cách xã hội kéo dài. Điều này đã dẫn đến nhiều thay đổi trong đời sống của sinh viên quốc tế, trong đó có du học sinh Việt Nam.
“Những giao tiếp xã hội hàng ngày mà em có cùng bạn bè, thầy cô khi ấy chuyển thành online. Điều khó khăn nhất với em là tổ chức thời gian cho bản thân. Đôi khi, em cũng khó theo kịp những deadline thầy cô đưa ra vì cách giảng viên truyền đạt bài học trên Zoom rất khác so với trước đó”, Khánh Phương nhớ lại.
Là chủ tịch câu lạc bộ AIESEC vùng Waikato, New Zealand, Khánh Phương từng tham gia tổ chức cho sinh viên các chương trình trao đổi đến nhiều nơi trên thế giới. Dịch bệnh khiến việc gặp gỡ sinh viên trở nên khó khăn hơn. Phương cùng các bạn tại câu lạc bộ phải thay đổi mục tiêu hoạt động, hướng đến các bạn trẻ ngay tại New Zealand.
Trong cuộc sống cá nhân, Khánh Phương không thể tránh khỏi nỗi cô đơn mỗi lần phong tỏa dù có bạn bè bên cạnh: “Em và các bạn sống chung thường cùng ra ngoài mua sắm, giải trí nhưng Covid-19 tới thì chúng em không thể đi cùng nhau nữa. Điều này cũng khiến em hoang mang, cô đơn và lo sợ”.
Hiện Đại học Waikato đã cho phép sinh viên được đến trường học trực tiếp. “Nếu các bạn mắc bệnh thì phải cách ly tại nơi ở riêng hoặc ký túc xá trong 7 ngày. Các bạn được học online và nếu ở ký túc xá thì sẽ được hỗ trợ các bữa ăn hàng ngày”, Khánh Phương chia sẻ thêm.
Cô cho biết thời gian học tập tại Đại học Waikato không quá căng thẳng. Các bạn sinh viên lên lớp khoảng 8-12 giờ mỗi tuần. Ngoài giờ học, sinh viên có thể tự học, hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, vì vẫn hạn chế tụ tập đông người nên các bạn sinh viên sẽ vẫn có ít cơ hội giao lưu, gặp gỡ hơn so với trước đây.
Với Khánh Phương, việc cân đối học tập và cuộc sống cá nhân đặc biệt quan trọng: “Chỉ nên ưu tiên ba điều một lúc. Nếu mình quan tâm quá nhiều thứ thì sẽ dễ tiêu hao năng lượng và cảm thấy căng thẳng với mọi thứ”. Phương dành thời gian mùa hè để đi làm và vui chơi, tạo năng lượng cho năm học mới. Đến khi đi học, nữ sinh tập trung nhất cho việc học và hoạt động AIESEC.
Phương có một mẹo nhỏ là ghi chú những deadline, những việc cần làm ở nơi dễ dàng nhìn thấy, kiểm tra mỗi ngày. “Các bạn nên chia nhỏ bài tập, ôn tập thật tập trung một tiếng mỗi ngày chẳng hạn, thay vì dồn tất cả vào một lúc”, Phương nói.
Trải qua những ngày phong tỏa vì dịch bệnh, kỹ năng sinh tồn, trong đó việc tự nấu ăn đã trở thành kỹ năng cần thiết đối với du học sinh. Chị Lam Giang cho rằng các bạn sinh viên hãy học một số món ăn. Điều này còn là nguồn vốn để các bạn giao lưu, giới thiệu văn hóa quê hương mình với bạn bè quốc tế.
Tại New Zealand, nhất là ở Đại học Waikato, du học sinh có thể tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ sinh viên cũng như cộng đồng du học sinh Việt. Với những kênh thông tin này, các bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ, xây dựng các mối quan hệ và nhận được những cơ hội học tập cũng như làm việc tại xứ sở kiwi.
Cả hai khách mời đều cho rằng, thích nghi là một quá trình, du học sinh không nên quá áp lực mà cần kiên nhẫn, dục tốc bất đạt.
Tuyết Vân
Global Pathways là mô hình du học xu hướng toàn cầu hiện nay, gồm hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu học tại Việt Nam, chương trình hướng tới việc rèn luyện nội lực, giúp sinh viên phát huy năng lực học tập để đạt kết quả cao khi du học; khuyến khích tự xác định mục tiêu và xây dựng lộ trình nghề nghiệp rõ ràng; tìm kiếm những nguồn lực cần thiết cho quá trình du học hay làm việc sau này…
Giai đoạn tiếp theo, sinh viên sẽ chuyển tiếp học và nhận bằng tại các đại học top 1% thế giới, bao gồm: Đại học Macquarie, Đại học Monash, Đại học Western Sydney, Đại học Wollongong, Đại học Griffith, Đại học South Australia (Australia) và Đại học Massey, Đại học Waikato (New Zealand).
Bên cạnh đó, Global Pathways cũng trao tặng nhiều suất học bổng cho học sinh có thành tích xuất sắc.
Xem chi tiết chương trình du học Global Pathways tại đây.
[ad_2]
Source link