Phân tích chi tiết chất hiện thực và trữ tình trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ

0
(0)

Phân tích chi tiết chất hiện thực và trữ tình trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Bài làm

Tây Bắc – miền đất đã gửi bao thương nhớ, gieo bao nỗi niềm trong tâm hồn nhạy cảm của vô vàn nhà thơ, nhà văn Việt Nam, và trong đó ta không thể không nhắc đến Tô Hoài. Ông viết nhiều về Tây Bắc và viết rất hay, tác phẩm tiêu biểu về đề tài này có thể kể đến truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Chất hiện thực và trữ tình là một khía cạnh nghệ thuật thu hút sự quan tâm của rất nhiều người đọc khi tìm hiểu về tài năng Tô Hoài và tác phẩm đặc biệt này.

Trong một chuyến đi thực tế cùng bộ đội tham gia giải phóng Tây Bắc năm 1953, những trải nghiệm quý giá nơi đây đã chắp cánh cho cảm hứng Tô Hoài để ông viết nên “Vợ chồng A Phủ”. Tại miền đất này, ông đã có cơ hội trải nghiệm và hiểu hơn kiếp sống tủi nhục của người lao động vùng cao những năm Cách mạng chưa về đồng thời với sự quan sát tỉ mỉ và tinh tế, nhà văn đã khám phá ra và trân trọng biết bao vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động ấy. Chất men say của con người, núi rừng Tây Bắc đã lưu lại trong ông nhiều ấn tượng mạnh mẽ và nhờ thế truyện ngắn đặc sắc “Vợ chồng A Phủ” đã đến với người đọc. Chất trữ tình và hiện thực trong truyện là một nét đặc sắc được rất nhiều người quan tâm và cảm phục tài năng thể hiện của tác giả qua từng trang văn.

Xuyên suốt những trang văn “Vợ chồng A Phủ”, chất hiện thực được nhà văn Tô Hoài phác họa rất sinh động và hấp dẫn. Trước hết, đó là hiện thực về một xã hội bất công nơi cái ác, cái cường quyền bạo lực của bọn chúa đất chúa mường chà đạp, áp bức dã man lên cuộc sống những người dân lao động nghèo vùng cao Tây Bắc. Bọn quan lại phong kiến đã dùng thói cho vay nặng lãi để lừa người nghèo, khiến họ gặp phải những nỗi thống khổ nhọc nhằn để có được những hạnh phúc nhỏ bé. Mị trở thành con dâu gạt nợ của nhà thống lí Pá Tra chính là một biểu hiện rõ nét ở thủ đoạn gian ác của chúng. Bên cạnh Mị – cô con dâu nhà giàu mang thân kiếp trâu ngựa, A Phủ cũng là một nạn nhân của xã hội này. Dù là người đứng ra bảo vệ lẽ phải, một người lương thiện, chăm chỉ nhưng A Phủ vẫn bị chúng bắt bớ, đánh đập oan, trở thành con nợ không công cả đời nhà thống lí. Chỉ trong những trang truyện ngắn, Tô Hoài đã phác họa chân thực bức tranh cuộc sống xã hội vùng cao thời Cách mạng chưa về, để từ đó người đọc thấu hiểu và sẻ chia, cảm thương với số phận những người lao động thấp cổ bé họng đồng thời căm phẫn, lên án thế lực phong kiến bạo tàn, độc ác chà đạp lên cuộc sống người dân.

Bên cạnh chất hiện thực, Tô Hoài còn phác họa trong truyện ngắn của mình những nét trữ tình ấn tượng. Để nhân vật hiện lên rõ nét với tâm lý, hành động ở từng chi tiết, nhà văn đã xây dựng nên một nền cảnh thiên nhiên đất trời Tây Bắc vào xuân ấm áp, tràn đầy sức sống. Sức sống tươi mới của mùa xuân đã đem đến cho đất trời nơi đây sắc màu rực rỡ, âm thanh rộn rã. Ngày Tết ở Hồng Ngài ngập tràn một màu sắc tươi sáng, ấm nồng:màu cỏ gianh vàng ửng, màu sắc rực rỡ của những chiếc váy hoa của những cô gái Mông Đỏ đã được phơi ra mỏm đá, xòe như con bướm sặc sỡ, sắc hoa thuốc phiện nở trắng lại nở màu đỏ hau, đỏ thâm rồi nở màu tím man mác. Trong không gian ngập tràn màu sắc ấy còn rộn rã âm thanh: tiếng chó sủa xa xa rất đỗi thân quen của làng bản Tây Bắc, tiếng cười đùa trong trẻo, hồn nhiên của đám trẻ đợi tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà. Và đặc biệt, trong không gian ấy còn nổi bật tiếng sáo lấp ló, lửng lơ bay ngoài đường: “Anh ném pao/ Em không bắt/ Em không yêu/ Quả pao rơi rồi…”. Sắc màu, âm thanh cùng hội tụ tạo nên một không khí rất đỗi yên bình, vui tươi và ấm áp. Chất trữ tình còn được nhà văn thể hiện ở cái tài của con người Tây Bắc. Dẫu có khổ cực trăm bề, thân phận bị áp bức tột cùng nhưng đời sống tâm hồn họ vô cùng sâu sắc. Mị là người con gái đẹp và có tài thổi sáo rất giỏi, Mị thổi lá cũng hay như thổi sáo làm bao chàng trai đêm ngày đi theo tiếng sáo của Mị. Còn ở nhân vật A Phủ, ta bắt gặp sự mạnh mẽ, cường tráng và một tâm hồn rất mực hồn nhiên, trong sáng. Cái đói nghèo, cô đơn cũng không thể ngăn cản được A Phủ tham gia những buổi hội vui ngày Tết và trở thành linh hồn, đem đến sức sống, niềm vui cho cuộc chơi. Cả hai nhân vật Mị và A Phủ, sau bao nhẫn nhục, cam chịu áp bức, với niềm khát vọng sống và khát khao hạnh phúc mãnh liệt, họ đã giải phóng bản thân, giải phóng cuộc đời để đến với một tương lai tươi sáng hơn.

Có những tác phẩm thành công khi nhà văn chỉ đưa chất hiện thực hoặc trữ tình vào tác phẩm của mình. Nhưng ở trang văn Tô Hoài, và đặc biệt là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, chất hiện thực và trữ tình được nhà văn khéo léo đan cài vào nhau, cùng nhau tạo nên dấu ấn riêng cho tác phẩm đồng thời gửi gắm những nghĩ suy, cảm xúc của tác giả về thiên nhiên, về con người Tây Bắc đã để lại trong ông biết bao thương nhớ.

Bạn hãy đánh giá bài viết

Nháy chuột vào ngôi sao mà bạn muốn đánh giá

Điểm trung bình 0 / 5. Số đánh giá 0

Bạn là người đầu tiên, xin hãy đánh giá!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *