Phân tích nhân vật A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ

0
(0)

Phân tích nhân vật A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Bài làm

Nhà văn Tô Hoài từng khẳng định: xây dựng nhân vật là điều cốt yếu nhất của tác phẩm. Nhân vật không cần luôn luôn xuất hiện, không cần miêu tả quá nhiều, quá kĩ nhưng vẫn đủ để tạo ra sức ảnh hưởng với tác phẩm và người đọc. Đó là cách mà nhà văn xây dựng nhân vật A Phủ, góp phần làm nên thành công của “Vợ chồng A Phủ”.

Tập “Truyện Tây Bắc” là vụ mùa thu hoạch từ chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của Tô Hoài năm 1952. Có thể nói: “đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không thể bao giờ quên….” chẳng những nhắc nhớ người nghệ sĩ ấy ngày quay trở lạ mà còn “phải đem trả cho những người thương ấy” “một tấm lòng mình, một cái gì làm hiện lại cả cuộc đời người Hmông trung thực, chí tình…”. Bằng tấm lòng chân phương ấy, “Vợ chồng A Phủ” đã ra đời. Cốt truyện vừa quen mà lại lạ. Câu chuyện về kiếp người bé mọn, gặp nhiều bất hạnh, đắng cay nhưng nhờ những phẩm chất cao quý đã được đổi đời – mô típ quen thuộc của truyện cổ tích. Nhưng nhân vật chính được đổi đời không phải bằng phép nhiệm màu cổ tích mà phép nhiệm màu ấy do chính con người tạo ra và do thời đại mang tới. Cùng với nhân vật Mị, cuộc đời A Phủ đã khẳng định điều đó.

Số phận của nhân vật có thể gói gọn trong hai chữ khổ đau. Từ thuở ấu thơ, A Phủ phải chịu khổ, nỗi khổ “mồ côi cha mẹ” (Sau một lần làng bị bệnh dịch, cả gia đình chỉ còn lại A Phủ). A Phủ là trẻ thơ mà không có tuổi thơ, lang thang màn trời chiếu đất, lưng thung đầu núi, trưởng thành lại trở thành món hàng bị người làng bán cho người Thái. Lúc trưởng thành, vì “nghèo nên không lấy được vợ”, dù có đủ phẩm chất để hưởng hạnh phúc nhưng không có một nẻo đường để mơ về hạnh phúc. Hạnh phúc. Với A Phủ, hạnh phúc xa như nước dưới nguồn, mây trên núi, mãi không thể chạm tới. Rồi A Phủ còn phải chịu khổ, nỗi khổ thành con ở gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Lý do chỉ vì đã dám đánh con quan làng nên bị “tội”, phải làm con ở cho nhà địa chủ. Ở xã hội ấy, kẻ dám đứng lên bảo vệ lẽ phải lại là kẻ thành tội đồ; kẻ là bị cáo thì trở thành vô can còn bố của bị can lại ngồi ghế của quan tòa. Một pha xét xẻ đầy vô lí, bị cáo bị đánh đập, trừng phạt vô lí trước khi bị luận tội, chịu cảnh “quýt làm cam chịu”, mãn kiếp truyền đời bị bóc lột sức lao động. Khi làm mất một con bò cũng bị trói đứng đến khi A Sử bắt được con hổ kia về. Khi bị đánh, phản ứng của A Phủ chỉ im như tượng đá, cam chịu, nhẫn nhục. Khi bị trói, giọt nước mắt hiếm hoi của người đàn ông cũng trào ra.

Nhưng ta còn thấy ở A Phủ vẻ đẹp, phẩm chất đáng quý của con người miền núi cũng như con người Việt Nam: cường tráng về thể chất, khỏe khoắn về tinh thần. Một chàng trai hồn nhiên trong sáng: ngày Tết dù không có gì, A Phủ vẫn đi chơi và trở thành linh hồn của các cuộc chơi. Đó là một chàng trai ngay thẳng: A Phủ đánh A Sử khong phải vì kẻ trả thù và dám làm dám chịu. Đứng trước “ban xét xử”, A Phủ chịu đòn và không hề kêu van. Khi làm mất bò của nhà Thống lí, A Phủ có ý thức lập công chuộc tội nhưng không được. Đặc biệt ở đó là khát vọng tự do mãnh liệt. Thời ấu thơ, A Phủ không chịu ở dưới cánh đồng thấp. Đôi chân đã quen với băng đồng bằng đôi mắt đã quen nhìn, đôi tai quen nghe, A Phủ ý thức được khao khát tự do đang chảy tự nhiên trong huyết quản của mình. Rồi khi bị trói, A Phủ không chịu mà nhay đứt dây mây. Khác với những chi tiết trước, ta hầu như thất vọng khi A Phủ cam chịu để thống lí trói mình, thân trâu quen mang ách mang tròng, thân ngựa quen bị cầm cương. Nhưng khi cắt dây mây, dù là thân trâu kiếp ngựa nhưng ở chàng trai ấy vẫn vẹn nguyên trái tim, khát vọng sống của con người. Như vậy, khi bị dồn vào cảnh cùng đường tuyệt lộ, A Phủ khóc. Dòng nước mắt lấp lánh được phản quang bởi ánh lửa sưởi ấm trong đêm đông của Mị, lấp lánh của chất vàng mời, của chất ngọc quý trong tâm hồn. Khi được Mị cởi trói, trong cảnh sức cùng lực kiệt nhưng trước cái chết có thể đến nhanh, lại quật sức vùng chạy. A Phủ băng tới ánh sáng, vươn tới sự tự do không chỉ bằng sức mạnh đôi chân mà còn bằng sức mạnh của lòng ham sống, tự do. Khát vọng sống mở đường sống cho A Phủ và Mị. Họ đều phải vươn dật bằng sức mạnh tự thân trong điều kiện và khả năng có thể.

Ngôn ngữ giản dị, như lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân tộc miền núi. Nhân vật A Phủ chủ yếu được khắc họa qua hành động là chính, phù hợp với đặc điểm nhân vật. Dẫu số phận có khổ đau, bất hạnh nhưng cuối cùng, bằng sức sống và ý chí của mình, nhân vật vẫn tìm được hạnh phúc, ánh sáng trên con đường mới của mình. Đó chính là bản lĩnh và tư tưởng của Tô Hoài khi ca ngợi con người với sức mạnh tiềm tàng – chạm tới vấn đề muôn thuở của nhân sinh. Mượn câu chuyện một thời để nói chuyện muôn đời. Đó chính là bí mật để tác phẩm mới rất lâu, trẻ rất dài và thoát khỏi quy luật nghiệt ngã của thời gian.

Bạn hãy đánh giá bài viết

Nháy chuột vào ngôi sao mà bạn muốn đánh giá

Điểm trung bình 0 / 5. Số đánh giá 0

Bạn là người đầu tiên, xin hãy đánh giá!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *